Cần làm gì để kết hôn với người nước ngoài

0
1157

Cần làm gì để kết hôn với người nước ngoài là nội dung được rất nhiều bạn có ý định kết hôn với người nước ngoài tìm hiểu.

Tìm kiếm thông tin trước khi thực hiện đăng ký kết hôn được đánh giá là việc làm hết sức thông minh. Bởi lẽ, với nền hành chính công còn nhiều bất cập như Việt Nam thì không có thủ tục nào là dễ dàng.

Chính sách thu hút người nước ngoài vào đầu tư, học tập, làm việc có hiệu lực đã kéo theo hàng ngàn người nước ngoài vào Việt Nam cư trú. Giờ đây, bạn dễ dàng bắt gặp người nước ngoài trên những con phố sầm uất của những thành phố lớn. Khi người nước ngoài cư trú tại Việt Nam trở lên phổ biến, tất yếu quan hệ yêu đương giữa người Việt và người nước ngoài cũng ngày càng một nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lao động và cũng là quốc gia có lượng lớn du học sinh ở nước ngoài. Quá trình người Việt làm việc, học tập ở nước ngoài cũng sẽ làm phát sinh tình cảm nam nữ giữa người Việt và người nước ngoài.

Vậy khi có ý định kết hôn với người nước ngoài thì công dân Việt Nam cần làm gì? Đây cũng là nội dung đề nghị tư vấn mà Anzlaw khá thường xuyên nhận được. Bằng kinh nghiệm hàng chục năm hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài, Anzlaw sẽ chỉ cho bạn cần phải làm những gì.

Can lam gi de ket hon voi nguoi nuoc ngoai
Can lam gi de ket hon voi nguoi nuoc ngoai

1. Cần làm gì để kết hôn với người nước ngoài

1.1. Xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn

Bạn biết rằng, kết hôn với người nước ngoài có thể đăng ký tại một trong hai cơ quan sau. Một là, tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam. Hai là, tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch.

Mỗi một cơ quan sẽ có những quy định riêng về thủ tục đăng ký kết hôn. Vì vậy, xác định cơ quan đăng ký kết hôn sẽ định hướng cho bạn thực hiện tất cả những công việc về sau.

Vậy cơ quan đăng ký kết hôn nào là phù hợp – Cần làm gì để kết hôn với người nước ngoài

Thông thường, việc xác định đúng cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn đều dựa trên kinh nghiệm chứ không có bất kỳ văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước nào.

Kinh nghiệm cho thấy, việc xác định cơ quan nào là phù hợp dựa trên nguyên tắc sau:

  • Nếu cả hai bên nam, nữ đang cùng chung sống tại một quốc gia thì nên kết hôn tại quốc gia đó.

Tại sao lại như vậy?

Bởi lẽ, do hai bạn đang cùng sinh sống tại một quốc gia nên bạn và người nước ngoài rất dễ dàng cùng nhau chuẩn bị giấy tờ, đăng ký kết hôn và khắc phục sai sót nếu có.

  • Trường hợp không cùng sinh sống tại một quốc gia thì nên kết hôn tại Việt Nam

Tuy rằng các thủ tục hành chính của Việt Nam còn nhiều bất cập nhưng nếu được tư vấn, hỗ trợ chính xác thì chắc chắn bạn vẫn có thể đăng ký kết hôn đạt kết quả. Ngoài ra, chi phí sử dụng dịch vụ pháp lý hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài rẻ hơn rất nhiều so vơi việc bạn sử dụng dịch vụ ở nước ngoài. Đặc biệt, nếu kết hôn với công dân các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Châu Âu và Đài Loan thì kết hôn tại Việt Nam gần như là giải pháp duy nhất.

Ngoại lệ:

Nếu đăng ký kết hôn với công dân Hàn Quốc và Trung Quốc thì bạn nên kết hôn tại Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Bởi lẽ, thủ tục đăng ký kết hôn tại những quốc gia này khá đơn giản.

Nếu kết hôn tại Trung Quốc, bạn chỉ cần chuẩn bị khá ít giấy tờ và gần như nhận kết quả đăng ký luôn trong ngày. Còn nếu kết hôn tại Hàn Quốc thì bạn có thể đăng ký kết hôn vắng mặt bạn. Lúc này, bạn chỉ cần chuẩn bị giấy tờ và gửi sang Hàn cho người Hàn tự đi đăng ký kết hôn mà không cần phải xin visa sang Hàn để đăng ký.

1.2. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn

Khi đã xác định chính xác cơ quan đăng ký kết hôn, bạn cần chuẩn bị giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan đó.

Việc chuẩn bị giấy tờ để đăng ký kết hôn với người nước ngoài khá phức tạp. Bởi lẽ, giấy tờ của Việt Nam muốn sử dụng tại nước ngoài hoặc giấy tờ của nước ngoài muốn sử dụng tại Việt Nam phải được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự.

Thủ tục chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự là thủ tục tương đối phức tạp cho những ai lần đầu thực hiện. Đó là còn chưa kể tới việc bạn phải xếp hàng từ 2 hoặc 3h sáng để chờ tới lượt nộp hồ sơ.

Về thủ tục này, bạn vui lòng tham khảo qua bài viết “Chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự là gì?“.

Kinh nghiệm cho thấy, kết quả đăng ký kết hôn phụ thuộc phần lớn vào hồ sơ mà hai bên nam, nữ chuẩn bị. Đặc biệt, nếu bạn kết hôn tại Việt Nam thì hồ sơ càng phải đúng và đủ. Vì lẽ, nền hành chính công của Việt Nam vẫn còn rất bất cập, đặc biệt là thái độ nhũng nhiễu của cán bộ, công chức tư pháp.

Anzlaw đã có một bài viết rất chi tiết về hồ sơ kết hôn với người nước ngoài, bạn vui lòng tham khảo thêm tại đây.


1.3. Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn và nhận kết quả

Sau khi đã có đầy đủ hồ sơ, bạn và người nước ngoài tới cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn để nộp hồ sơ. Mỗi một cơ quan sẽ có những quy định riêng về trình tự thực hiện.

Nếu kết hôn tại Việt Nam thì bạn và người nước ngoài sẽ hoàn thiện tờ khai và nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ có sai sót, bạn sẽ được công chức tiếp nhận hồ sơ thông báo và sẽ phải hoàn thiện lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, bạn sẽ nhận được kết quả đăng ký kết hôn sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ.

Một số vấn đề cần lưu ý

Ở bước này có thể bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn từ chính cán bộ, công chức tư pháp. Nền hành chính công của Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong thời gian vừa qua nhưng thái độ của cán bộ, công chức thì không có nhiều thay đổi. Đâu đó bạn vẫn bắt gặp cảnh cán bộ, công chức hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho công dân. Thông thường, họ sẽ yêu cầu bạn cung cấp thêm giấy tờ mà pháp luật không quy định hoặc bắt lỗi sai trong giấy tờ mà không có căn cứ với mục đích “vòi tiền”.

Nếu gặp phải trường hợp này thì bạn có thể khiếu nại, tố cáo để yêu cầu họ thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Khi nhận kết quả đăng ký kết hôn bạn cũng cần kiểm tra kỹ thông tin trong Giấy chứng nhận kết hôn. Đó là các thông tin về nhân thân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú…Nếu phát hiện có sai sót thì bạn đề nghị họ cấp đổi.

1.4. Cuối cùng, ghi chú kết hôn và bảo lãnh định cư

Định cư chắc chắn là mong muốn của tất cả các cặp đôi sau khi kết hôn. Đó có thể là công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư hoặc người nước ngoài định cư tại Việt Nam. Dù định cư tại đâu thì bạn cần phải ghi chú kết hôn trước.

a. Ghi chú kết hôn

Thuật ngữ “ghi chú kết hôn” được hiểu là việc công dân thông báo với cơ quan của quốc gia mình về việc đã kết hôn ở nước ngoài. Vì vậy, nếu kết hôn ở nước ngoài thì công dân Việt Nam phải ghi chú kết hôn. Còn nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì người nước ngoài sẽ phải thực hiện thủ tục này.

Bạn vui lòng tìm hiểu thêm về thủ tục này qua bài viết “Ghi chú kết hôn là gì?“.

b. Bảo lãnh định cư

Nếu người Việt ra nước ngoài định cư thì người nước ngoài sẽ làm thủ tục bảo lãnh. Lúc này, hai bạn nên tới cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch để được hỗ trợ.

Trường hợp định cư tại Việt Nam, bạn nên tìm hiểu về thủ tục miễn thị thực hoặc thẻ tạm trú. Đây là những ưu đãi về cư trú mà pháp luật dành cho người nước ngoài là vợ/chồng của công dân Việt Nam.

2. Kết luận cần làm gì để kết hôn với người nước ngoài

Như vậy, chúng tôi đã hướng dẫn bạn cần làm gì để kết hôn với người nước ngoài.

Từ bao lâu nay, kết hôn với người nước ngoài vẫn là thủ tục được đánh giá là cực kỳ phức tạp. Nếu không có sự hướng dẫn, hỗ trợ thì rất khó hai bên nam nữ có thể thực hiện mà không gặp trở ngại.

Nếu không thực sự am hiểu và không có nhiều thời gian, tốt nhất bạn nên tìm tới đơn vị uy tín để được trợ giúp. Bạn nên tìm hiểu thêm về chi phí để làm căn cứ giao kết hợp đồng với đơn vị nào đó.

Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài