Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc là nội dung mà cặp đôi nam, nữ người Việt và người Hàn cần tìm hiểu khi có ý định “nên vợ nên chồng”
Những năm gần đây, khi làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng cao thì cũng kéo theo hàng ngàn người Hàn Quốc sang Việt Nam cư trú để đầu tư hoặc làm việc. Giờ đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người Hàn Quốc khi họ sinh sống, hòa mình vào nhịp sống của người Việt tại những thành phố lớn. Và như lẽ thường của tự nhiên, chắc chắn sẽ có người Hàn tìm thấy tình yêu của mình là phụ nữ Việt trên đất nước chúng ta.
Ở chiều ngược lại, phụ nữ Việt làm dâu trên đất nước Hàn Quốc cũng chiếm số lượng rất đông đảo. Sau khi đã sinh sống ổn định tại Hàn Quốc thì không ít chị em phụ nữ tìm cách giới thiệu người thân cho người Hàn để họ nên duyên vợ chồng.
Do đó, một vài năm gần đây quan hệ hôn nhân giữa người Việt và người Hàn Quốc trở lên hết sức phổ biến.
Vậy câu hỏi đặt ra là thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc được thực hiện như thế nào?
1. Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc
Nói về thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc thì đầu tiên chúng ta phải xác định được cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc. Bởi lẽ, thủ tục kết hôn tại mỗi một cơ quan sẽ có sự khác biệt.
Theo đó, 03 cơ quan sau là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc:
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam;
- Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc tại Hàn Quốc;
- Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba.
Kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba thường chỉ dành cho trường hợp cả bạn và người Hàn đều đang sinh sống tại quốc gia thứ ba. Thủ tục kết hôn tại cơ quan này cực kỳ phức tạp khi phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, Hàn Quốc và quốc gia thứ ba nên rất ít bạn lựa chọn.
Kết hôn với người Hàn tại Việt Nam sẽ phù hợp cho trường hợp cả người Việt và người Hàn đều đang sinh sống tại Việt Nam. Còn với những trường hợp còn lại thì nên kết hôn tại Hàn Quốc, bởi lẽ kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc tại Hàn Quốc có thể thực hiện vắng mặt người Việt.
Tới đây, chúng ta đã biết về cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn để thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc.
Nội dung dưới đây, bằng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc tại Hàn Quốc.
1.1. Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam
Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam được chia làm 02 giai đoạn, bao gồm:
- Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Giai đoạn đăng ký kết hôn.
1.1.1. Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn
a) Quy định của pháp luật
Để kết hôn tại cơ quan này thì bạn và người Hàn Quốc sẽ chuẩn bị giấy tờ và thực hiện việc đăng ký kết hôn theo trình tự đã được Luật Hộ tịch 2014 quy định. Cụ thể, đó là Điều 10, Khoản 1, Điều 38, Luật Hộ tịch 2014, được hướng dẫn bởi Điều 30, Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Chi tiết như sau:
“Điều 10. Hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ của nước ngoài
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
…
Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
Điều 30. Hồ sơ đăng ký kết hôn
1. Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
b) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.
2. Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
3. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định này; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.”
Tới đây, bạn đã biết quy định của pháp luật về hồ sơ kết hôn để thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam.
b) Kinh nghiệm thực tiễn
Thực tiễn cho thấy, phần lớn các trường hợp không hoàn tất được thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì đều có sai sót trong giấy tờ mà cặp đôi đã chuẩn bị.
Do đó, việc chuẩn bị đúng và đủ giấy tờ để kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam hay tại Hàn Quốc thì đều cực kỳ quan trọng. Theo đó, khi kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam thì cặp đôi cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
-
Người Việt Nam cần có
– Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu;
– Giấy xác nhận cư trú;
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (có nội dung hiện tại đang độc thân);
Nếu trước đó đã từng kết hôn và quan hệ hôn nhân đã kết thúc thì cung cấp thêm phán quyết của Tòa án trong trường hợp ly hôn hoặc giấy chứng tử trong trường hợp vợ hoặc chồng đã chết;
– Giấy tờ chứng nhận đủ sức khỏe kết hôn;
– Văn bản của đơn vị đang công tác cho phép kết hôn với người Hàn Quốc, nếu đang là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm việc trong lực lượng vũ trang;
– Tờ khai đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc;
– Ảnh thẻ.
-
Người Hàn Quốc cần chuẩn bị
– Hộ chiếu;
– Thị thực hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho phép người Hàn cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú tại Hàn Quốc;
– Giấy xác nhận không cản trở hôn nhân;
– Giấy xác nhận cơ bản;
– Giấy xác nhận hôn nhân;
– Giấy khám sức khỏe có kết luận đủ sức khỏe kết hôn;
– Tờ khai đăng ký kết hôn với người Việt theo mẫu mới nhất;
– Ảnh thẻ.
Lưu ý:
Giấy tờ của người Hàn Quốc cần được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự để đảm bảo tuân thủ về mặt hình thức trước khi sử dụng cho mục đích kết hôn.
Ngoài ra, giấy tờ của người Hàn cần được dịch thuật ra tiếng Việt và công chứng. Giấy tờ độc thân của người Hàn phải đúng với mẫu giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc công bố là giấy tờ cấp cho công dân Hàn Quốc để kết hôn tại Việt Nam.
Tới đây, bạn đã biết kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ để thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam.
1.1.2. Trình tự thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc
Khi bạn và người Hàn đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nói trên thì cả hai có mặt tại UBND cấp huyện, nơi người Việt đang cư trú để thực hiện việc kết hôn.
Tại cơ quan này, bạn xuất trình chứng minh nhân dân, còn người Hàn xuất trình hộ chiếu cho chuyên viên bộ phận Tư pháp – hộ tịch kiểm tra rồi nộp toàn bộ giấy tờ đã chuẩn bị cho chuyên viên này.
Theo đúng quy định thì chuyên viên sẽ có trách nhiệm kiểm tra kỹ từng giấy tờ và kịp thời thông báo cho hai bạn nếu giấy tờ có sai sót. Ngược lại, nếu mọi thứ đã hợp pháp và hợp lệ thì sẽ viết phiếu biên nhận giấy tờ và hẹn trả kết quả.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam là 13 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Như vậy, tới đây bạn đã hoàn tất được thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam.
1.1.3. Ghi chú kết hôn tại Hàn Quốc
Sau khi đã nhận được kết quả đăng ký kết hôn là Giấy chứng nhận kết hôn thì người Hàn sẽ chuẩn bị một số giấy tờ và có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc để thông báo với cơ quan này về việc hai bạn đã hoàn tất việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam.
Dựa trên thông tin trong tờ khai và các giấy tờ mà người Hàn cung cấp thì cơ quan có thẩm quyền sẽ nhập thông tin của bạn vào thông tin của người Hàn với tư cách là vợ hoặc chồng của người Hàn. Tới đây, việc kết hôn của hai bạn tại cả hai nước đã hoàn tất.
Tới đây, bạn đã biết về ghi chú kết hôn với người Hàn Quốc. Công việc cặp đôi phải làm sau khi hoàn tất thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc.
1.2. Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Hàn Quốc
Tương tự như khi kết hôn tại Việt Nam, hai bạn cũng cần phải chuẩn bị giấy tờ và có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc để đăng ký kết hôn.
Đặc thù của thủ tục kết hôn tại Hàn Quốc là có thể đăng ký vắng mặt người Việt nên bạn có thể chuẩn bị giấy tờ rồi gửi sang Hàn Quốc cho người Hàn đăng ký kết hôn mà không cần phải xin visa sang Hàn để đăng ký.
a) Giấy tờ cần chuẩn bị
Các giấy tờ mà các bạn cần chuẩn bị để kết hôn tại Việt Nam cũng giống như khi chuẩn bị để kết hôn tại Hàn Quốc và có lưu ý thêm vấn đề sau:
- Những giấy tờ nào có ghi nơi đăng ký kết hôn thì sẽ đổi từ kết hôn tại Việt Nam sang kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc tại Hàn Quốc;
- Người Việt cần chuẩn bị thêm Phiếu lý lịch tư pháp số 2;
- Giấy tờ của người Việt cần được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Hàn Quốc hoặc tiếng Anh.
Như vậy, giấy tờ kết hôn với người Hàn Quốc tại Hàn Quốc không có nhiều sự khác biệt khi chuẩn bị giấy tờ để thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam.
b) Trình tự thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Hàn Quốc
Khi đã có đầy đủ giấy tờ này thì bạn sẽ gửi sang Hàn Quốc cho người Hàn. Người Hàn sẽ bổ sung thêm giấy tờ mà họ đã chuẩn bị để thành một bộ hồ sơ hoàn chỉnh rồi có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc để đăng ký kết hôn.
Cũng khá giống thủ tục kết hôn tại Việt Nam, người Hàn cũng xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp hồ sơ cho chuyên viên. Chuyên viên sẽ kiểm tra kỹ từng giấy tờ rồi thông báo lịch trả kết quả đăng ký kết hôn.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc sẽ rơi vào khoảng 2 tuần. Lưu ý, cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ chỉ nhập thông tin của bạn vào thông tin của người Hàn với tư cách là vợ hoặc chồng của người Hàn mà không cấp bất kỳ giấy tờ nào. Do đó, sau khoảng 2 tuần kể từ ngày đăng ký kết hôn thì người Hàn chủ động kiểm tra tình trạng hôn nhân của bản thân qua cổng dịch vụ công. Nếu thấy đã có thông tin của bạn là việc kết hôn đã hoàn tất.
Tới đây, bạn đã hoàn tất thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Hàn Quốc.
c) Ghi chú kết hôn với người Hàn tại Việt Nam
Khi đã hoàn tất việc kết hôn tại Hàn Quốc thì người Hàn sẽ chuẩn bị một số giấy tờ rồi gửi về Việt Nam cho bạn.
Việc của bạn lúc này là có mặt tại Sứ quán Hàn Quốc để xin thêm một số giấy tờ rồi hoàn chỉnh thành một bộ hồ sơ ghi chú kết hôn. Cuối cùng, bạn tới UBND cấp huyện nơi bạn đang cư trú để thông báo với cơ quan này về việc hai bạn đã đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc. Tất nhiên, bạn cũng sẽ phải hoàn thiện tờ khai ghi chú kết hôn.
Dựa vào tờ khai ghi chú kết hôn và giấy tờ bạn cung cấp, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ ghi vào Sổ Hộ tịch và cấp cho bạn bản trích lục ghi chú kết hôn. Giấy tờ này có giá trị tương đương với Giấy chứng nhận kết hôn.
Tới đây, việc kết hôn của bạn và người Hàn Quốc đã được hoàn tất tại cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Chi tiết về thủ tục này mời bạn tham khảo thêm: Thủ tục ghi chú kết hôn với người Hàn Quốc
2. Bảo lãnh xin visa để đoàn tụ
Kết thúc quá trình đăng ký kết hôn và ghi chú kết hôn thì hai bạn sẽ tính tới chuyện bảo lãnh sinh sống cùng nhau.
Nếu sinh sống tại Hàn Quốc thì người Hàn sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ khá đồ sộ gần 30 loại giấy tờ rồi gửi về Việt Nam cho bạn. Khi đã nhận được giấy tờ từ người Hàn thì bạn sẽ bổ sung thêm một số giấy tờ của bạn rồi hoàn thiện thành một bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Cuối cùng, bạn có mặt tại Trung tâm Tiếp nhận hồ sơ và trả visa Hàn Quốc để nộp hồ sơ xin visa định cư Hàn Quốc F-6-1.
Đây là thủ tục tương đối phức tạp mà nếu không khéo léo trong việc chuẩn bị giấy tờ thì rất có thể bạn sẽ phải tham dự buổi phỏng vấn do Sứ quán Hàn Quốc tổ chức. Tỷ lệ đỗ phỏng vấn thường không hề cao nên bạn phải thật sự cẩn trọng khi chuẩn bị giấy tờ. Đặc biệt, bạn sẽ cần phải tạo ra nhiều tình tiết có lợi và loại bỏ các tình tiết bất lợi.
Khi đã có visa F-6-1 thì bạn nhập cảnh vào Hàn Quốc để đoàn tụ cùng người Hàn và sinh sống tại Hàn Quốc.
Nếu muốn sinh sống tại Việt Nam thì bạn đứng ra bảo lãnh cho người Hàn. Lúc này, bạn sẽ tham khảo thêm thủ tục xin miễn thị thực.
Tới đây, bạn đã biết về bảo lãnh xin visa để sang Hàn Quốc sinh sống và xin miễn thị thực nếu ở Việt Nam. Một trong những công việc phải làm sau khi hoàn tất thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc.
3. Kết luận thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc
Như vậy, bằng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu về thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc.
Rất nhiều bạn đánh giá rằng thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc cũng như xin visa định cư Hàn Quốc sau khi kết hôn là cực kỳ phức tạp. Nếu tự thực hiện thì sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí khó đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân có thể có nhiều lý do nhưng phổ biến là do các bạn không am hiểu, lần đầu thực hiện nên còn nhiều khó khăn.
Lời khuyên là bạn nên tìm tới những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm để được hỗ trợ làm tốt ngay từ bước chuẩn bị giấy tờ; tư vấn cho bạn biết những việc gì cần làm và không nên làm và cuối cùng là giải quyết cho bạn những vướng mắc phát sinh.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc cũng như bảo lãnh địn cư tại Hàn Quốc sau khi kết hôn!
Xem thêm: Thủ tục xin visa kết hôn Hàn Quốc