Visa thăm thân tại Nhật Bản là mong muốn của rất nhiều bạn, thế nhưng liệu rằng việc xin visa này có dễ dàng hay không?
Là quốc gia thiếu hụt lao động phổ thông nghiêm trọng nên những năm gần đây Nhật Bản đã trở thành quốc gia nhập khẩu lao động. Trong số người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản thì người Việt chiếm số lượng rất đông đảo. Các lĩnh vực lao động mà người Việt làm việc tại Nhật Bản phổ biến là xây dựng, nông nghiệp, y tế.
Thông thường, người Việt sẽ ký kết hợp đồng lao động với công ty của Nhật Bản với thời gian khoảng 3 năm. Và sau khoảng thời gian từ 1 cho tới 2 năm, người Việt sinh sống tại Nhật Bản sẽ có lúc phát sinh nhu cầu muốn mời người thân sang Nhật Bản. Lúc này, visa thăm thân là giấy tờ mà người Việt cần phải chuẩn bị. Vậy hồ sơ xin visa thăm thân sẽ bao gồm những giấy tờ gì? Nộp hồ sơ đó tại đâu?
Trong nội dung bài viết này, Anzlaw sẽ giải đáp toàn bộ những vấn đề có liên quan tới visa thăm người thân đang cư trú tại Nhật Bản.
1. Visa thăm thân tại Nhật Bản
1.1. Đặc điểm của visa thăm thân nhân tại Nhật Bản
Visa thăm thân Nhật Bản có thời hạn sử dụng trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được cấp và cho phép người mang visa được lưu trú tại Nhật trong thời gian 30 ngày với mục đích thăm người thân đang cư trú dài hạn tại Nhật Bản.
1.2. Điều kiện được cấp visa thăm thân tại Nhật Bản
Để có được visa này, người xin visa sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Không rơi vào trường hợp cấm nhập cảnh vào Nhật Bản
Ngày nay, số lượng người Việt là lao động bất hợp pháp tại Nhật Bản cũng khá lớn. Sau một thời gian cư trú bất hợp pháp, người Việt sẽ tự thú để về nước. Tất nhiên, những người này thường sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nhật Bản trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài đối tượng là lao động bất hợp pháp thì còn nhiều trường hợp người Việt phạm pháp hình sự tại Nhật Bản, bị kết án và bị trục xuất về nước cũng sẽ nằm trong số những trường hợp bị cấm nhập cảnh vào Nhật Bản.
- Là thân nhân của người Việt đang cư trú hợp pháp tại Nhật Bản
Từ người thân hay thân nhân được hiểu là trong phạm vị quan hệ gia đình 3 đời. Tuy nhiên, phần lớn những người xin visa và được duyệt visa này là bố mẹ, vợ/chồng, con cái của người Việt đang sinh sống hợp pháp tại Nhật Bản. Ngoài những đối tượng này ra, anh/chị em ruột và cô, dì, chú, bác rất khó được chấp nhận cấp visa.
- Người Việt bảo lãnh phải đang cư trú hợp pháp tại Nhật Bản
Khi xin visa này thì người Việt sinh sống tại Nhật Bản sẽ đứng ra bảo lãnh. Điều kiện được bảo lãnh là người Việt đang cư trú hợp pháp tại Nhật Bản và đang phải có công việc ổn định.
1.3. Hồ sơ xin cấp visa thăm thân nhân
a) Tài liệu do phía người xin visa chuẩn bị:
– 01 Tờ khai xin cấp visa du lịch Nhật Bản (Theo mẫu).
Mẫu đơn chỉ có thể điền bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật;
– Bản gốc hộ chiếu còn thời hạn (Hộ chiếu phổ thông đọc bằng máy theo tiêu chuẩn ICAO hoặc hộ chiếu điện tử IC);
– 01 ảnh chân dung kích thước 45mm x 45mm chụp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
– Tài liệu chứng minh mối quan hệ họ hàng:
+ Giấy khai sinh
+ Giấy chứng nhận kết hôn
+ Bản sao hộ khẩu
– Tài liệu chứng minh khả năng chi trả kinh phí cho chuyến đi:
+ Giấy chứng nhận thu nhập do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Giấy chứng nhận số dư tiền gửi ngân hàng;
+ Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động…
b) Tài liệu phía bên Nhật Bản chuẩn bị
– Giấy lý do mời (Theo mẫu – Giấy này bắt buộc phải có, ngay cả trường hợp không cần giấy bảo lãnh. Phần ghi người mời phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, sau tên phải có dấu đóng. Phải ghi rõ cụ thể tất cả các nơi viếng thăm tại Nhật Bản và nội dung các hoạt động, không được ghi chung chung như “thăm thân nhân” mà phải ghi rõ quá trình đưa đến việc bảo lãnh, các hoạt động và các nơi viếng thăm);
– Bản sao hộ tịch (Trường hợp người mời hoặc vợ / chồng là người Nhật);
– Chương trình lưu trú:
+ Phải ghi rõ ngày giờ đến Nhật, ngày giờ về, số chuyến bay, sân bay và chương trình hoạt động phải rõ ràng, phải ghi rõ địa chỉ lưu trú (địa chỉ, số điện thoại).
+ Chương trình lưu trú phải ghi rõ từng ngày một, tuy nhiên trường hợp các hoạt động liên tục giống nhau thì ở phần ngày tháng năm có thể ghi: từ ngày… tháng… năm… đến ngày.. tháng… năm…
+ Chương trình lưu trú phải được viết bởi người mời hoặc người bảo lãnh tại Nhật Bản.
-
Trường hợp chi phí cho chuyến đi do người bảo lãnh chịu, người bảo lãnh cần xuất trình các tài liệu sau:
– Giấy chứng nhận bảo lãnh (theo mẫu)
– Một trong những tài liệu sau liên quan đến người bảo lãnh như sau:
+ Giấy chứng nhận thu nhập (do cơ quan hành chính của Nhật Bản cấp – Không chấp nhận bảng xác nhận thu nhập do công ty cấp)
+ Giấy chứng nhận số dư tiền gửi ngân hàng (bản photocopy sổ tiết kiệm ngân hàng có ghi rõ quá trình sử dụng tài khoản trong vòng 6 tháng gần nhất)
+ Bản lưu giấy đăng ký nộp thuế (Bản sao)
+ Giấy chứng nhận nộp thuế (bản ghi rõ tổng thu nhập)
– Phiếu công dân (Bản có ghi quan hệ của các thành viên trong gia đình)
- Trường hợp người mời hoặc người bảo lãnh là người nước ngoài, xuất trình “Giấy chứng nhận có ghi rõ các hạng mục đăng ký người nước ngoài” và copy hộ chiếu thay cho “Phiếu công dân”.
1.4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả xin visa thăm thân
– Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam;
– Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Hồ Chí Minh;
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Tất cả các ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu (trừ những ngày nghỉ lễ của Sứ Quán) – Buổi sáng : từ 8h30 đến 11h30
Thời gian trả kết quả Visa: Tất cả các ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu (trừ những ngày nghỉ lễ của Sứ Quán) – Buổi chiều : từ 13h30 đến 16h45
Ngoài ra, người có nhu cầu xin cấp visa du lịch Nhật Bản còn có thể nhận được sự phục vụ như tiếp nhận hồ sơ xin cấp visa, phát hành visa… đối với mục đích thăm thân tại các quầy tiếp nhận của Đại lý nhận ủy thác tiếp nhận hồ sơ xin cấp visa (Lệ phí bao gồm phí cấp visa trả cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và phí phục vụ cho Đại lý nhận ủy thác).
1.5. Thời hạn trả kết quả – Visa thăm thân tại Nhật Bản
Thời hạn giải quyết việc cấp visa là 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần xác minh thông tin, thời hạn có thể kéo dài nhiều hơn 05 ngày.
2. Kết luận về visa thăm thân tại Nhật Bản
Như vậy, trên đây là những hướng dẫn của Anzlaw về việc xin visa thăm người thân đang cư trú tại Nhật Bản. Tin rằng, chỉ cần đọc kỹ hướng dẫn trong bài viết này là bạn hoàn toàn có thể chủ động hoàn thiện hồ sơ và có mặt để nộp và nhận kết quả xin visa.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ Anzlaw để được giải đáp. Trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm và kính chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!
Xem thêm: Kinh nghiệm kết hôn với người Nhật Bản