Thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh được pháp luật quy định như thế nào?
Những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đã có những chuyển biến rất tích cực. Pháp luật Việt Nam có nhiều ưu đãi để thu hút người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, lao động, du lịch. Người nước ngoài ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc những khu du lịch nổi tiếng.
Và không ít người nước ngoài tìm thấy một nửa của mình ở đất nước hình chữ S, trong đó có không ít cặp đôi Anh-Việt. Vậy trong trường hợp đó, thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh được pháp luật quy định như thế nào?
Thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh là một trong những thủ tục hành chính phức tạp. Thủ tục này gây nhiều khó khăn không chỉ đối với những người chưa từng sống, làm việc và học tập tại Anh, hoặc Việt Nam. Bởi lẽ, pháp luật luôn có sự thay đổi, thậm chí đăng ký kết hôn giữa hai miền Nam, Bắc cũng có sự khác biệt.
Vậy thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh như thế nào?
1. Thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh
Để hiểu rõ hơn về thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh, trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu ở những vấn đề sau:
- Điều kiện kết hôn với người Anh;
- Thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh.
1.1. Thứ nhất, tìm hiểu về điều kiện kết hôn
Khi đăng ký kết hôn với người Anh, hai bên nam, nữ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Không nằm trong trường hợp cấm kết hôn.
Đối với người Anh, ngoài điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam còn phải tuân thủ điều kiện kết hôn theo pháp luật Anh Quốc.
Theo luật pháp của Vương Quốc Anh, người đàn ông và người phụ nữ trên 16 tuổi sẽ có quyền kết hôn với nhau nếu họ đang độc thân hoặc đã ly hôn. Những trường hợp không được phép kết hôn tại Vương Quốc Anh:
- Họ đang 16 hoặc 17 tuổi nhưng không được bố mẹ đồng ý;
- Có cùng giới tính.
Trên đây là toàn bộ điều kiện kết hôn để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh.
1.2. Thứ hai, thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh
Chúng tôi chia thủ tục kết hôn với người Anh thành 02 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn chuẩn bị giấy tờ cần thiết và giai đoạn thực hiện việc đăng ký kết hôn.
a) Giai đoạn chuẩn bị giấy tờ cần thiết
Giấy tờ cần chuẩn bị khi đăng ký kết hôn với người Anh là cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, kết quả của việc đăng ký kết hôn phụ thuộc hoàn toàn vào giấy tờ do hai bên nam, nữ chuẩn bị. Nếu giấy tờ chính xác và đầy đủ, tất yếu cặp đôi người Việt và người Anh sẽ nhận được kết quả như ý muốn. Ngược lại, nếu giấy tờ có sai sót, chắc chắc hai bạn sẽ mất thêm thời gian, công sức để hoàn thiện lại hồ sơ.
Các giấy tờ cần thiết là giấy tờ được quy định tại Điều 10, Khoản 1, Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 và được hướng dẫn bởi Điều 30, Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Chi tiết như sau:
“Điều 10. Hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ của nước ngoài
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
…
Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
…
Điều 30. Hồ sơ đăng ký kết hôn
1. Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
b) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.
2. Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
3. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định này; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.”
Đó là các quy định của pháp luật về hồ sơ cần chuẩn bị khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài, trong đó có người Anh. Tuy nhiên, thực tiễn chuẩn bị giấy tờ có sự khác biệt đôi chút. Điều này do pháp luật của Anh Quốc có những quy định riêng về giấy tờ kết hôn và thực tiễn áp dụng của từng địa phương.
Theo đó, cặp đôi người Việt và người Anh cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
-
Công dân Việt Nam cần chuẩn bị
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân
+ Trường hợp chưa từng kết hôn: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
+ Trường hợp đã kết hôn và ly hôn: Quyết định hoặc bản án ly hôn;
+ Trường hợp đã kết hôn nhưng vợ/chồng đã chết: Giấy chứng tử.
– Bản sao giấy tờ chứng minh về nhân thân (bản sao có chứng thực; trường hợp không có bản sao chứng thực thì nộp bản photo kèm bản chính để đối chiếu):
+ Đối với công dân Việt Nam cư trú trong nước: Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
+ Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài : Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc thẻ cư trú.
– Giấy xác nhận cư trú;
– Giấy khám sức khỏe kết hôn;
Lưu ý: Nếu giấy xác nhận của cơ sở y tế không có ghi thời hạn thì chỉ có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về nội dung này qua bài viết: Mẫu giấy khám sức khỏe kết hôn;
– Văn bản của đơn vị đang công tác về việc cho phép kết hôn với người nước ngoài, nếu đang là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm việc trong lực lượng vũ trang;
– Ảnh 4×6 nền trắng, áo tối màu, chụp chính diện khuôn mặt.
-
Người quốc tịch Anh cần chuẩn bị
– Giấy tờ chứng minh tình trạng độc thân
+ Trường hợp đã kết hôn và ly hôn: Giấy tờ ly hôn;
+ Trường hợp đã kết hôn nhưng vợ/chồng trước đã chết: Giấy tờ chứng minh vợ/chồng trước đã chết.
– Hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Anh cấp;
Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo yêu cầu thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
– Visa hoặc giấy tờ cho phép người Anh cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
– Giấy khám sức khỏe kết hôn.
Giấy tờ của người Anh cần sao y, công chứng, dịch thuật, chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Anh Quốc.
Các bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết: Thủ tục chứng nhận lãnh sự giấy tờ.
Trên đây là toàn bộ giấy tờ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh.
b) Giai đoạn thực hiện việc kết hôn
Đây là giai đoạn mà chúng tôi đã có bài viết: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam hướng dẫn rất chi tiết trình tự để cặp đôi thực hiện việc đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện, nơi người Việt đang cư trú. Nôm na, quy trình này sẽ gồm các bước sau:
- Bước 1: Cả hai hoặc một trong hai bên nam, nữ có mặt tại UBND cấp huyện, nơi người Việt cư trú để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Bước 2: Bắt buộc cả hai bên nam, nữ có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn.
Kết hôn với người Anh cũng thực hiện theo đúng quy trình được nêu ra trong bài viết ở trên và cặp đôi cần lưu ý thêm vấn đề sau:
Tại một số địa phương thì tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, hách dịch, đặt ra những luật lệ riêng để gây khó dễ cho công dân, qua đó buộc họ phải “bôi trơn” vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nếu rơi vào trường hợp này mà có căn cứ chứng minh hồ sơ mà hai bạn chuẩn bị là chính xác thì bạn cần thực hiện việc khiếu nại để bảo đảm có thể nhận được kết quả đăng ký kết hôn như mong muốn.
Trên đây là quy trình thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh và những vấn đề có thể phát sinh.
2. Kết luận thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh
Trên đây, bằng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin cần thiết khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh tại Việt Nam.
Chúng tôi đánh giá đây vẫn là thủ tục hành chính còn rất phức tạp mà nếu không nhận được sự tư vấn chính xác, rất khó hai bên nam, nữ có thể chuẩn bị giấy tờ mà không gặp sai sót, đồng thời không biết phải xử lý ra sao khi có vấn đề phát sinh.
Vì vậy, nếu không am hiểu thì tốt nhất bạn nên tìm tới chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm để được hỗ làm tốt ngay từ những bước đầu tiên và giải quyết cho bạn những vướng mắc phát sinh
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người Anh!